Danh Họa Claude Monet (1840 – 1926)

Họa sĩ Claude Monet

Claude Monet (1840 -1926): Được mệnh danh là “người cha của hội họa ấn tượng”, là họa sĩ tiêu biểu và nổi tiếng số một của trường phái này với số lượng tác phẩm đồ sộ và quan điểm nghệ thuật nhất quán suốt cuộc đời.

Gia đình ông chuyển về Havre vùng Normandie khi ông được năm tuổi. Bố của Monet muốn ông tiếp tục nghề buôn bán thực phẩm khô của gia đình, nhưng Monet chỉ thích vẽ. Eugène Boudin, một nghệ sĩ thường vẽ trên bãi biển Normandie đã dạy Monet một vài kỹ thuật vẽ đầu tiên vào năm 1856.

Năm 1862, Monet theo học về nghệ thuật với Charles Gleyre ở Paris. Ông gặp Pierre-Auguste Renoir, người cùng ông sẽ sáng lập ra trường phái ấn tượng. Họ cùng nhau vẽ và tình bạn của họ kéo dài tới tận cuối đời

Trường phái ấn tượng bắt đầu khi một số họa sĩ bài xích những quy chuẩn cứng nhắc đã được học ở trường mỹ thuật. Họ vẽ tranh ngoài trời bằng những nét vẽ nhanh (có thể nhìn thấy được cả những nét quệt, lượn, chấm…), nhấn mạnh đến sự chuyển động của ánh sáng trong tranh nhằm ghi lại chính xác tổng quan khung cảnh thông qua cái nhìn tươi mới về thế giới.
 

Tranh của Hs Claude Monet

Tranh của Hs Claude Monet

     Bất chấp hiệu ứng thị giác mới mẻ và độc đáo, những bức tranh vượt “chuẩn” này đã không được đón nhận vì sử dụng những thủ pháp hoàn toàn xa lạ với nghệ thuật hội họa truyền thống đương thời và nhận sự “ghẻ lạnh” từ các phòng trưng bày tranh lúc bấy giờ.

     Để được nhiều người biết đến, các họa sĩ có cùng chí hướng đã cùng nhau mở một triển lãm vào năm 1874. Khi đó, nhà phê bình Louis Leroy đã dựa theo tên gọi của bức tranh Impression, Sunrise (Ấn tượng, Mặt trời mọc) của Claude Monet để nhạo báng họ bằng một bài báo có nhan đề The Exhibition of the Impressionists (Buổi triển lãm của những họa sĩ trường phái ấn tượng). Tuy nhiên, thuật ngữ “ấn tượng” nhanh chóng được tiếp thu và phổ biến rộng rãi để rồi sau đó trở thành tên gọi của trường phái hội họa đã từng gây nhiều tranh cãi này.

Phố, tranh của Claude Monet

Phố, tranh của Claude Monet

     Bức Ấn tượng, Mặt trời mọc sau đó được trưng bày ở Bảo tàng Marmottan Monet tại thành phố Paris, nước Pháp. Bức tranh này từng bị hai người đàn ông tên là Philippe Jamin và Youssef Khimoun đánh cắp khỏi bảo tàng vào năm 1985. Mãi 5 năm sau, người ta mới tìm thấy bức họa, trả nó lại cho Bảo tàng Marmottan Monet và trưng bày tại đây cho đến ngày nay.

Thiếu nữ trong vườn của Claude Monet

Thiếu nữ trong vườn của Claude Monet

     Ấn tượng, Mặt trời mọc không chỉ là tác phẩm tiêu biểu nhất của riêng họa sĩ Claude Monet mà còn của cả trường phái ấn tượng thế giới. Ngoài Ấn tượng, Mặt trời mọc, Claude Monet còn có nhiều tác phẩm đáng chú ý khác như On the Bank of the Seine, Bennecourt (1868), Le déjeuner sur l’herbe (1865–1866), Mouth of the Seine (1865), Women in a Garden (1866–1867), Jardin à Sainte-Adresse (1867), Study of a Figure Outdoors: Woman with a Parasol (1886)

Cây cầu nhật bản của Claude Monet

Cây cầu nhật bản của Claude Monet

Nhà thờ, tranh của Claude Monet

Nhà thờ, tranh của Claude Monet

Nhà ga, tranh của Claude Monet

Nhà ga, tranh của Claude Monet

Claude Monet còn được coi là “Họa sĩ của những khoảnh khắc phù du”, “nhà biểu tượng của màu sắc”. Tranh của ông chú ý tới thiên nhiên, coi trọng diễn tả ánh sáng và màu sắc, ghi lại sự tươi mới của ấn tượng ban đầu một cách trung thực tuyệt đối. Ông thường vẽ về đống rơm, về nhà thờ, về hoa súng, hoa trên cánh đồng, về cầu Waterloo và trong loạt tranh vẽ ở những khu vườn. Những bức tranh về khu vườn, hoa súng của ông được công chúng đặc biệt yêu thích.

Monet vẽ chân dung Camille trên chiếc thuyền giữa dòng sông Seine (1874)

Monet vẽ chân dung Camille trên chiếc thuyền giữa dòng sông Seine (1874)

Năm 1871, Claude Monet đã chuyển tới Argenteuil, quãng đẹp nhất của sông Seine, nơi lòng sông rộng và sâu nhất. Tại đây, ông mua một chiếc thuyền và biến nó thành một phòng vẽ cá nhân. Họa sĩ người Pháp thường neo thuyền gần nhà mình và vẽ những gì ông đang nung nấu. Sống chung với Monet ở Argenteuil là người vợ, Camille Doncieux  và con trai của họ, Jean. Camille đã trở thành người mẫu tranh của Monet từ khi họ gặp nhau vào năm 1865 và từ đó sống với nhau trong cảnh nghèo khó. Kể từ đó cho tới khi qua đời, Camille luôn là một “nàng thơ” mờ ảo trong tranh Monet. Nhiều bức tranh của “cha đẻ” trường phái ấn tượng vẽ vợ mình trong bối cảnh gương mặt được che kín hoặc giấu mặt.

Camille trước cảnh sông nước Bennecourt (1868)

Camille trước cảnh sông nước Bennecourt (1868)

Cả gia đình Monet trong vườn của họ tại Argenteuil (1874)

Cả gia đình Monet trong vườn của họ tại Argenteuil (1874)

Camille trên ghế dài (1873)

Camille trên ghế dài (1873)

Năm 1876, bà Camille ngã bệnh với căn bệnh nan y là ung thư cổ tử cung. Tình trạng sức khỏe xuống dốc của bà được thể hiện rõ trong bức tranh Camille Holding a Posy of Violets. Nàng thơ của Monet lộ vẻ xanh xao, mệt mỏi, già nua. Tuy nhiên, một số nhà phê bình lại cho rằng thái độ của bà thể hiện sự ghê tởm với hành động phản bội của Monet khi công khai tán tỉnh người bạn chung của hai người, Alice Hoschede. Người phụ nữ này sau đó đã đã ngang nhiên cùng hai con chuyển tới sống chung một nhà với vợ chồng Monet.

Camille trên giường bệnh (1879)

Camille trên giường bệnh (1879)

Năm 1878, Camille sinh con trai thứ hai, Michel. Lúc này, sức khỏe của bà đã yếu tới mức báo động nguy hiểm. Cuối cùng, kết thúc mọi đau đớn, Camille từ giã cõi đời vào ngày 5/9/1879. Những giờ phút cuối cùng của cuộc đời, Monet vẫn đam mê vẽ Camille. Ông đã vẽ bức chân dung cuối cùng của vợ ngày cuối cùng bà nằm trên giường bệnh. “Tôi chụp lấy khoảnh khắc bi thảm trên vầng trán của cô ấy, quan sát trình tự thay đổi của sắc thái cái chết trên gương mặt cứng đơ của vợ. Màu xanh, màu vàng, màu xám… phản xạ của tôi bắt buộc tôi phải hành động vô thức bất chấp chính bản thân tôi”.

Mặc dù không chăm chút vợ chu đáo nhưng Monet đã luôn yêu Camille. Ông cảm thấy vô cùng đau khổ sau cái chết của Camille và không còn tha thiết vẽ tranh suốt một thời gian dài. Ngày nay, công chúng rất ít biết tới các thông tin về bà Monet - Camille Doncieux hay Camille Monet. Nguyên do là tình nhân và là người vợ thứ hai của họa sĩ nổi tiếng người Pháp, kẻ đã ngang nhiên cướp chồng bạn thân - Alice Hoschede, đã ghen lồng ghen lộn với vợ trước của chồng. Bà yêu cầu Monet hủy hết tất cả những kỷ vật của “Nàng thơ” tức là vợ ông Camille một thời, bao gồm những lá thư, hình ảnh, bất cứ điều gì là chứng thực sự tồn tại của Camille Doncieux.

 

Hình ảnh tranh và thông tin nội dung đăng tải được lấy từ nguồn lưu của google.com

 

Hotline: (84) 913 323.977
Chat Facebook
Gọi điện ngay